Previous Page  111 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 111 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Canh Tý 2020

111

Đ

ương Xuân, kì trỗi dậy của vạn vật khắp hành

tinh rộn ràng, tưng bừng nhất, tôi lại thèm sự yên

tĩnh vô cùng. Các đôi uyên ương nô nức cưới

mùa Thu, mùa Đông, để sang Xuân, lứa đôi du

Xuân thêm "trăng mật" mới. Tôi lại chắt chiu, kiếm tìm,

tự tạo sự im lặng trong ngày rét mướt cuối Đông để nối

sang Xuân. Thích mùa Đông vì không gian như sạch

hơn, người người đẹp hơn, nhiều khoảng yên tĩnh hơn

và vì thèm cái lạnh đang cực thiểu. Tất cả như dồn nén

để bừng nở bung tỏa khi Xuân. Ở những ngày đầu tiên,

tôi thích gọi Xuân là "Mùa thơ lắng".

Yên tĩnh thì mới cảm nhận sự đổi thay, chuyển dịch

khẽ khàng, nhỏ bé. Một phần bức họa Xuân yên tĩnh mà

chứa chan sức sống của thi hào Nguyễn Du, giờ tìm nơi

đâu:

Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một

vài bông hoa.

Không chỉ đang yêu mới lặng cảm nhịp tim, hơi thở

trong vòng ôm trao gửi, mà cần im nghe tâm trạng nhau

qua nhịp thở, biết sức khỏe qua tiếng ho, sự mất ngủ

qua lúc trở mình. Sống là cho đi, hạnh phúc, nên đừng

trách sự mẫn cảm với cuộc sống này, hay vị tha chắc

chắn sẽ nhận đầy thua thiệt. Cả khi tính "lỗ - lãi" với cuộc

sống như những chuyến buôn, thì "thương vụ" yêu

thương luôn cho "lãi".

Xuân hiện ra muôn màu muôn vẻ qua mắt, qua tai.

Nghe, sẽ tưởng tượng, cảm nhận sâu sắc, tinh tế hơn.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã có ca khúc

Nghe mưa

về mùa

Thu thật êm bay, thì

Lắng nghe mùa Xuân về

đúng là

mùa Xuân đặc trưng miền Bắc của đêm Tất niên mơ

ước. Hai lần "lặng lẽ" cất lên: "Nghe trong mưa đêm

mùa Xuân lặng lẽ sang" "Phút giây lặng lẽ mong chờ,

lắng nghe mùa Xuân về". Phải lặng lẽ mới thấy "phút

mong chờ ấy tuyệt vời", ca khúc này mỗi Xuân lại được

hát thiết tha, vẫn khiến tôi xao động.

Rưng rưng nhất vẫn là

Happy New Year

của ban

nhạc Thụy Điển huyền thoại ABBA. Chỉ hoạt động liên

tục 11 năm, ban nhạc gồm 4 thành viên đã thành hiện

tượng hiếm biệt của thế giới, được hâm mộ và sức ảnh

hưởng đến tận hôm nay. Tuyên bố không bao giờ tái

hợp dù được trả catse cao đến đâu, để giữ hình ảnh

thanh xuân mãi mãi, thì mỗi khi năm mới, ABBA vẫn tái

ngộ công chúng khắp hành tinh bằng ca khúc gây rung

cảm tuyệt vời vượt qua mọi quốc gia, biên giới mà

không bài hát nào vượt qua, thay thế được. Happy New

Year ra mắt lần đầu tại sân vận động 14 vạn khán giả

Wimbledon, London năm 1980 khi ABBA sang biểu diễn

tại Anh. Khán giả đã ngỡ ngàng khi nữ ca sĩ tóc bạch

kim Agnetha Fältskog cất giọng hát với vẻ mặt buồn

man mác. Buồn, tĩnh lặng khi đón năm mới thì sao?

Buồn đâu phải chán chường. Cần biết buồn, nỗi buồn

hoài niệm nhớ mong những gì đã qua, những người

thân, kỉ niệm đã thành kí ức - tài sản của tâm trí.

Khó đòi hỏi "Đông phải đúng là Đông như đặc trưng

kinh điển, thì khi Xuân tới, sẽ cảm thấy tuyệt vời". Thế

nào là đúng mùa khi mấy tháng Đông chỉ vài đợt lạnh

ngắn ngày. "Mùa Đông là bản thảo của mùa Xuân" câu

thơ của Vũ Trọng Quang vẫn đúng trong cảm nhận của

ai thiết tha yêu sự sống. Một kiếp người sinh ra chỉ được

sống một lần, đâu phải tất thảy đều dám/được là mình,

chân thật và tự chủ. Song ở hoàn cảnh, vị thế nào, con

người cũng mong sự tốt đẹp hơn ở phía trước. Tương

lai gần nhất là ngày mai. Xuân có quyền năng lớn nhất

trong các mùa: cho người ta quyền đón chờ, tin tưởng

và hi vọng.

Mùa nào trong năm cũng chứa sự sinh sôi. Không

phải cứ Đông là lạnh, buồn, ánh sáng xám. Nhiều

nước châu Âu đã "hoảng hốt" mấy năm nay khi chậm

tuyết rơi.

Và mùa Xuân, được gọi lên chuỗi danh từ đẹp đẽ

làm nên uy thế "Chúa Xuân" trong thì mọi sinh vật bừng

sức sống sôi nổi nhất, còn là mùa sáng tạo, mùa thi ca,

mùa của tuổi trẻ,... mùa của mọi khởi đầu, mơ ước.

Con số mỗi năm tăng lên, tặng mỗi người thêm

tuổi. Một đặc tính khá "phũ phàng": càng già, người ta

càng chai sạn, giảm dần các thang bậc cảm xúc tích

cực. Thật tiếc cho ai không có chút xốn xang náo nức

nào tháng Chạp. Không riêng tôi, may mắn thừa kế

gen nghệ thuật và yêu sự sống bằng tâm hồn thi sĩ, hễ

ai có đam mê cái đẹp, biết cảm thụ mến chuộng loại

hình nghệ thuật nào đó, đều "thoát nghèo" tinh thần,

bõ một lần được sống. Sao chỉ riêng các nghệ sĩ mới

cần nuôi giữ, khơi dậy, nâng niu sự lãng mạn, hồn

nhiên, trí tưởng tượng? Mỗi con người, nếu biết nạp

thường xuyên tài khoản tâm hồn, thì cuộc sống sẽ thú

vị làm sao!

Sao cuộc sống ngày một nhanh, công nghiệp hơn,

lắm áp lực và nỗi sợ khiến bộ não xơ mòn đi. Không thể

chế tạo tâm hồn!

Lại nói về sự yên lặng quý giá. Trong các đám cưới,

lễ hội, sự kiện lớn, người ta ưa dùng loa công suất lớn

đến mức thành đặc tính tất yếu, để khuếch đại âm thanh

phục vụ đám đông nghìn, vạn người không chỉ là đáp

ứng thính lực mà loa lớn còn để át sự ồn ã của tiếng nói.

Cả nhân loại bất an vì ô nhiễm không khí liên quan đến

sức khỏe, cụ thể là lá phổi, đường hô hấp và các bệnh

liên quan, song rất hiếm cảnh báo về ô nhiễm âm thanh.

Mỗi ngày, tai chúng ta phải bị/chịu đủ thứ tiếng ồn quá

tải mà dù có cố gắng tránh, lựa cũng không thể thoát.

Những lỗ tai bị cưỡng bức, tra tấn bởi muôn âm thanh

không mong muốn, bào mòn, xây xước, thậm chí cướp

đoạt sự nhạy cảm, mẫn cảm của khả năng thu nhận

tiếng động âm nhạc đáng nghe, tinh tế. Đồng loại của

tôi, hãy tự cho mình phép màu tuệ mĩ bằng trầm tĩnh

nhé, những ngày Xuân thiên nhiên giao hòa, con người

đa diện nhất, hãy yên lặng, để cùng thấu cảm, nhận về

từng món quà tặng gây ngạc nhiên, xúc động, tự đánh

thức lòng mình tới nhân gian.

Tiết điệu, âm sắc, âm giai bí ẩn âm nhạc, có cả ở

đời sống. Cuộc sống là sân khấu, cuốn phim, bản nhạc

khổng lồ và vĩ đại. Im lặng để những con chim sẻ, chim

ri không hoảng hốt giật mình khi sà xuống ngõ nhỏ ít

khi vắng người và xe cộ. Im lặng để nghe chim trời hát

ca rất hiếm, chim đủ loại bị bẫy đưa vào nhà hàng,

quán xá. Đến tiếng gà gáy, chim hót trong lồng cũng bị

át bởi chợ (tự phát) trong ngõ nhà tôi từ lúc tinh mơ.

Im lặng như Xuân Hồng, nhạc sĩ đã tình cờ đọc bài thơ

của Song Hảo, rung động trước lứa đôi mà phỏng thơ

làm nên tình ca Mùa Xuân bên cửa sổ: "Cao cao bên

cửa sổ/Có hai người hôn nhau/Đường phố ơi, hãy yên

lặng/Để hai người hôn nhau/Chim ơi, đừng bay nhé/

Hoa ơi, hãy toả hương/Và cây ơi lay thật khẽ/Cho đôi

bạn trẻ đón Xuân về..."

Im lặng mới nghe được sóng nước mặt hồ, tiếng gió,

mưa, lá reo, chim hót, cả côn trùng thở than đêm vắng.

Biết sự sống tràn đầy.

Mùa Xuân đến sau mùa Đông, trình tự tự nhiên quen

thuộc đến hẹn lại lên, tuyệt đối không phải sự máy móc,

trò lắp ráp những công thức của tạo hóa. Mỗi mùa là một

hòa âm mới. Những tư duy thực dụng ít khi hiểu giá trị

của mọi sự sâu sắc luôn từ việc biết nhường nhịn nhau,

từ lời nói - phát âm, phát thanh mới thấy giọng đơn ca,

lĩnh xướng, bè bổng - trầm, thăng - giáng của sự vật. Khi

triệt tiêu sự bạo hành thanh quản, thanh đới, dù chỉ vài

giờ, vài ngày, thì rung động mới từ các dây thần kinh

căng thẳng, đơ cũ chợt tắm lại, hồi phục. Nghi lễ tắm gội

cuối năm thật đẹp, biết vệ sinh thanh tẩy não bộ còn cấp

thiết hơn. Mĩ tục ngàn năm như ra mộ cuối năm mời

người thân quá cố về ăn Tết, lặng lẽ thành kính trước

bàn thờ Tổ tiên ông bà dâng mâm cỗ Tất niên. Lặng đón

Giao thừa, mùa sang. Im lặng khai bút. Im lặng hưởng

thành phố vắng người thanh bình hiếm hoi sáng mùng

Một của mùa trinh bạch.

Yên lặng để thấy cuộc sống vất vả, bận rộn vẫn còn

những khoảng bay bổng, mơ mộng, nên thơ. Yên lặng

để nhìn âu yếm các loài chim quý, những loài chim hót

hay nức tiếng như họa mi, sơn ca đập cánh trở về trổ

giọng trong hòa bình thân thiện, chứ không chỉ còn

được nhắc tên nghe tiếng hót. Với nghệ sĩ, chỉ ai biết im

lặng, cô đơn mới sáng tác hay. Không có tác phẩm lớn

tầm vóc ra đời khi ồn ào sáng tác tập thể. Im lặng, lắng

nghe thì sự thấu cảm, tưởng tượng, cảm nhận về nhau,

về diễn tiến cuộc sống, của chính nhịp điệu tâm hồn

mình sẽ được đón bắt và nâng cánh.

Im lặng, không vì biển yêu cầu từ cổng vào (được

Chính phủ bảo tồn gìn giữ) mà chính không gian xanh

thanh bình của ngôi nhà thơ ấu của F. Chopin tại làng

Zelazowa Wola ngoại ô Vacsava của Ba Lan khiến bất cứ

ai định cất lời cũng thấy mình có lỗi, lạc lõng. Nhạc lướt

trên cỏ, tràn trề từng vòm lá sồi, thông cổ thụ, từ nhiều

chiếc loa như giấu kín, một âm lượng vừa đủ để nhận ra

F. Chopin mãi tinh tế dịu dàng đắm say tuyệt diệu.

F. Chopin, thi sĩ của dương cầm, có bản Valse Mùa

Xuân mà tôi nghe ngàn lần còn thổn thức. Tôi đã nghe

F. Chopin hầu như mỗi ngày, trong cả ngày lạnh nhất

của mùa Đông, khi hình dung về mùa Xuân 2020, mùa

sinh tôi 40 năm trước. Hai lần 20 là 40 tuổi, không thể

làm phép trừ, chia để trở về tuổi trẻ, vẫn thể sống lại ấu

thơ khi yên lặng ngắm con trong những đêm Giao thừa

thường nhật.

Thật quý giá khi nghe tiếng lật trang sách, bút chạy

trên giấy bao năm đọc, viết cắt giấc ngủ đêm. Im lặng để

dâng hiến tinh lực, trí tuệ, thân xác cho lí tưởng, mong

mỏi, tin yêu, vươn tới thanh cao, thánh thiện. Im lặng tận

hưởng Xuân sang, ngày mới đầu tiên ngay đêm giao

thừa trọng đại nhất của năm ở ngày 365 có giờ thứ 25

cho ước vọng.

MÙA THƠ LẮNG

Tuỳ bút của VI THUỲ LINH

CHẲNG PHẢI ĐẾN NGÀY NAY, THỜI SỐ HÓA

NHIỀU LĨNH VỰC, NGƯỜI TA MỚI NHẬN RA

KHÔNG PHẢI MỘT NĂM CHỈ 4 MÙA. HÌNH NHƯ,

MÙA ĐẦU TIÊN ĐƯỢC NHÂN LOẠI ƯU ÁI TẶNG

NHIỀU TÊN GỌI NHẤT. VỚI XUÂN 2020, TÔI TÌM

THẤY MỘT DANH XƯNG KHÁC CỦA KHÁT KHAO.