Previous Page  110 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 110 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Canh Tý 2020

110

M

ỗi lúc trời gió lạnh, nhìn thấy làn khói lam

bay lên từ trong gian bếp nhỏ nhà ai đó,

tôi hay nghĩ đến gian bếp nhỏ nhà mình

hồi còn bé.

Đấy là một gian nhà nhỏ lợp tranh vương vấn khói

thơm, núp dưới tán cây trong một con ngõ nhỏ. Hồi ấy

nhà ai ở nông thôn cũng dùng rơm để đun nấu nên gian

bếp nào cũng bồ hóng bám đen và đượm khói cay

nồng. Cái gian bếp nhỏ bé nền đất nện chứa đầy rơm

ấy luôn trữ sẵn trong góc một đống củi gộc để dành.

Củi gộc là những mẩu thân, cành, hay gốc, rễ cây…

không dùng vào việc gì được nữa, và chỉ có bếp lửa to

mới có thể đốt được. Thứ củi này thường sẽ có than rất

đượm nên hay được để dành đun bánh. Thuở nghèo,

củi gộc cũng phải tiết kiệm nên chỉ những dịp giỗ Tết

mới dám đun, quanh năm nhặt nhạnh dành dụm để

dùng cho ngày Tết, đặc biệt là củi để luộc bánh chưng.

Củi nấu bánh thường phải chuẩn bị trước. Những

nhà có vườn trại rộng rãi trồng tre thì sau mùa thu hoạch

vào tháng Tám âm lịch, những lũy tre chặt vãn chỉ còn

trơ gốc, người ta sẽ đánh bớt gốc cũ sau đó đắp thêm

bùn ao và trồng vào đó những gốc tre mới to khỏe hơn.

Đánh gộc tre là công việc nhọc nhằn lắm, phải là

những người đàn ông khỏe mạnh mới có thể đào lên

những gốc tre sần sùi tua tủa rễ cứng. Họ phải dùng

tới xà beng, rìu, thuổng… cho công việc đấy mà tiền

bán củi gộc tre cũng chả đáng là bao. Gộc tre đào lên

dành đun nồi bánh nhà mình đã, còn thừa mới gánh ra

chợ bán.

Tôi còn nhớ, cứ mỗi độ tháng Chạp sắp sang là mẹ

tôi đi chợ đã ngắm sẵn để mua những gánh củi gộc như

thế. Những gánh củi cồng kềnh nhưng nặng trịch vì gốc

tre vốn cong queo lại cứng như sắt nguội. Chúng có

thật nhiều hình thù thú vị được chúng tôi tưởng tượng

ra, nào là có cái giống y như cái sừng trâu cong vút, có

cái lại giống như cái bàn chải giặt chiếu vì có đám rễ

cứng tua tủa, có cái lại giống như thể con rồng đang

uốn lượn…

Thế nên, lúc những gánh củi ấy được mang về phơi

ngoài sân nắng thì chỉ có bọn trẻ con chúng tôi là thích

thú vì có thêm nhiều trò chơi bên đám gộc tre sần sùi

ấy. Đêm nằm ngủ cũng mơ thấy Tết đã đến thật rồi, đứa

nào cũng đếm từng ngày mong sao chóng đến buổi

sớm tinh mơ được trở dậy canh nồi bánh chưng bên

bếp lửa bập bùng.

Củi gộc tre dùng đun bánh thật tuyệt vì khi phơi khô sẽ

cháy rất nỏ và đượm, lại ít khói, mà có khói thì cũng không

khét nên hầu như nhà ai cũng tích sẵn thứ củi ấy trong bếp.

Nhà nào không có gộc tre thì có thứ gì đốt được, từ gốc, rễ,

cành cây khô hay bàn ghế gãy hỏng cũng mang ra cho cả

vào đốt bởi nồi bánh đun suốt cả ngày vô cùng tốn củi.

Tôi thích những ngày cuối năm trông nồi bánh

chưng còn vì một lẽ khác nữa, bởi hôm ấy tôi sẽ được

ông anh trai phù phép cho những bộ quần áo cũ kĩ

quanh năm nhàu nát và quăn tít lò xo thành ra như mới.

Tất cả là nhờ chiếc bàn là Con Gà dùng than thần

thánh. Anh tôi mượn nó ở đâu đó mang về làm chúng

tôi lác mắt. Chiếc bàn là có bụng rỗng để chứa than và

cái khóa hình con gà trống. Những cục than đỏ rực

được gắp ra từ bếp lửa bỏ vào bụng cái bàn là, hơi

nóng của than củi sẽ ủi phẳng “chết li” những bộ quần

áo cũ như có phép mầu nhiệm. Cái bàn là này đòi hỏi

phải có “kĩ thuật điêu luyện”, lơ mơ một chút là phải

bỏng ngay và cháy quần áo như chơi chứ chẳng phải

chuyện đùa. Chúng tôi há hốc mồm chờ đợi và thi nhau

mang những bộ quần áo cũ ra nhờ anh là hộ, mong

biến nó thành những bộ áo mới tinh thẳng thớm. Than

củi ngoài việc nướng ngô khoai ăn đỡ sốt ruột lúc chờ

nồi bánh chưng chín còn mang lại niềm vui không đến

hai lần trong cả năm trời dài đằng đẵng.

Bây giờ, những ngày cuối năm ngồi bên nồi bánh

chưng với củi lửa rực hồng đã không còn nhiều trong

cuộc sống hiện đại. Tết đến, trong sự no đủ khiến cho

bọn trẻ không còn phải ao ước cái bánh chưng hay

những món đồ ăn quanh năm chỉ có trong ngày Tết như

thời chúng tôi ngày trước nữa. Những ngày cuối tháng

Chạp, khi thấy người ta mang lá dong ra rửa bên giếng

nước, tôi hay thấy mình hân hoan bên đống lửa bập

bùng cháy. Khói gộc tre quanh quẩn bên góc sân nhỏ

cùng hương nếp quyện mùi lá dong nồng nàn ngây

ngất. Và trong tôi còn mãi ánh mắt náo nức khi mẹ mua

về đám củi cong queo sần sùi với cái bàn là than thần

thánh giúp những bộ quần áo cũ trở nên phẳng phiu

mới cứng. Lúc ấy, trong tôi, Tết đã đến thật gần…

CỦI TẾT

Tản văn của THÁI HƯƠNG LIÊN

N

gày cuối năm, lượng người đi lễ rất nhiều.

Cuối năm đi lễ tạ, đi lễ để giải hạn. Người

thích chùa nổi tiếng thì chọn nơi chùa to, sư

có chức sắc, có danh. Thế là nơi chùa ấy

đông nghịt. Người ta vái vọng vì có thấy gì đâu mà lễ

bái cụ thể. Người làng quê, người phố thích nơi yên

an, tìm chốn thanh tịnh về lễ chùa làng. Ở nơi đâu cầu

được là tuỳ theo ý nghĩ mỗi người. Nhưng Phật linh

thiêng, bàn tay Người rộng mở đón nhận tất cả. Vậy

nên, lễ nơi chùa to hay nhỏ, chùa phố hay chùa làng

phải đâu quan trọng. Khi đã có niềm tin, có tâm hướng

về cõi Phật thì đã thấu, đã thiêng là đều tốt lành

Từ Rằm tháng Giêng, người đi lễ nao nức khắp

nơi. Mà đúng hơn, qua mấy ngày Tết, từ Mùng ba,

Mùng năm Tết, người người đã rủ nhau đi lễ. Công sở,

công ty thuê xe đi cả phòng, cả lượt. Các cụ, các bà

thuê xe rủ nhau đi theo hội phụ lão, hội phụ nữ, không

thì hội bạn bè. Gia đình, nhóm gia đình, bạn bè rủ nhau

đi. Mà đâu có đi lễ một đền chùa, một phủ. Một lịch trình

đã định mỗi năm. Người ta là vậy đấy, cái gì cũng đã

quen. Thói quen định hình. Thói quen cố hữu. Đi lễ chùa

ấy, đền phủ ấy bao năm đã thành nếp. Thói quen còn

đem đến sự gần gũi: lối vào chùa, sư thày, nơi đặt lễ,

thay nước, thắp nhang. Hình như còn hơn nữa, khi

khấn vái ngước lên cũng cả đấng linh thiêng cũng như

thấu hiểu. Thói quen còn là cơ sở của lòng trung thành

vì không thay đổi. Nó cũng góp phần đưa ta niềm tin

vào nơi ấy, hư vô đấy. Không thấy ngay, thấy cụ thể

nhưng người đi lễ tin vào may mắn, tốt lành sẽ đến.

Điều ấy không quý ư giữa cuộc đời này. Chỉ trách kẻ lợi

dụng niềm tin của con người vào nơi cửa Phật. Đáng

lên án, đáng trừng phạt những kẻ náu sau tấm áo cà sa

lại sống như thói đời ham danh lợi.

Đi lễ và cũng là đi du xuân càng nao nức, rộn ràng.

Mà các nơi đền chùa bây giờ tu sửa lại cao ráo lắm, đẹp

lắm. Toà tháp 7 tầng, 9 tầng…Tượng Phật ngồi trên đài

cao vọng đến tận trời. Những cây cảnh, tiểu cảnh, cây

cầu nhỏ bắc qua dòng nước nhỏ, dàn hoa phong lan,

vườn hoa hồng… Nơi đền chùa bây giờ là một công

trình kiến trúc hoà hợp giữa tôn giáo và nghệ thuật đời

sống nên sức thu hút rất lớn. Đi lễ còn là đi vãn cảnh,

đi chụp ảnh ngày xuân. Về với các chùa làng để lễ đầu

năm yên tĩnh và cũng đầy không khí Tết. Trong tĩnh

lặng, ta có thể có được sự thư thái, an nhiên. Trong tĩnh

lặng, phải chăng điều ta thầm khấn không bị lẫn bởi

những bực dọc, chen chúc, thậm chí cả chướng tai gai

mắt ở chốn cửa thiền. Ôi nhưng người đời mà, biết sao

mà tránh, mà khuyên. Thôi thì tất cả tùy tâm, tùy phúc

phận mỗi người.

Đầu năm đi lễ du xuân vui vẻ và nhiều may mắn

đến với mỗi người. Chỉ là cửa thiền có ngưỡng, mong

sao lòng người cũng biết dừng trước mọi ngưỡng

trong đời.

“LỄ CẢ NĂM KHÔNG BẰNG RẰM THÁNG GIÊNG”. CÓ MỘT NIỀM TIN KHÔNG NHỎ ĐƯỢC ĐẶT NƠI

CỬA THIỀN NÊN LƯỢNG NGƯỜI ĐI LỄ NGÀY NHIỀU LÊN. TÌM GÌ, ĐƯỢC GÌ CỤ THỂ Ư? KHÔNG CẮT

NGHĨA NỔI VÌ CÓ KHI CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY, CÓ KHI CHỈ ĐỂ TRÚT NỖI LÒNG VÀO CHỐN HƯ VÔ.

NGƯỜI ĐI LỄ TÌM THẤY MỘT CHỖ DỰA TINH THẦN CHO MÌNH VÀ VỚI HỌ, CÓ VẺ NHƯ TẠM ĐỦ

TRONG KHOẢNH KHẮC NÀO ĐÓ.

ĐI LỄ ĐẦU XUÂN

BÙI KIM ANH